Phiên âm tiếng trung là tập hợp các chữ cái la tinh biểu thị cách phát âm của chữ Hán. Phiên âm trong tiếng Trung bao gồm: vận mẫu, thanh mẫu, thanh điệu. Nói đơn giản là: phiên âm = nguyên âm + phụ âm + dấu.
Sau một tuần, chúng ta cũng đã tìm hiểu cơ bản về phát âm tiếng trung. Để củng cố kiến thức, hôm nay blog toihoctiengtrung mang tới cho các bạn 3 bài ôn tập. Trước khi làm bài tập, chúng ta cũng ôn lại kiến thức cũ.
1. Phiên âm tiếng Trung tóm tắt
a) Vận mẫu trong tiếng Trung
a – Gần giống “a”. Mồm há to, lưỡi xuống thấp. Là nguyên âm dài, không tròn môi
o – Gần giống “ô” (trong tiếng Việt). Lưỡi rút về sau, tròn môi.
e – Nằm giữa “ơ” và “ưa”. Lưỡi rút về sau, mồm há vừa. Là nguyên âm dài, không tròn môi.
i – Gần giống “i”. Đầu lưỡi dính với răng dưới, hai môi giẹp (kéo dài khóe môi).
u– Gần giống “u”. Lưỡi rút về sau. Là nguyên âm dài, tròn môi nhưng không há.
ü – Gần giống “uy”. Đầu lưỡi dính với răng dưới. Là nguyên âm dài.
b) Thanh mẫu trong tiếng Trung
b – Gần giống âm “p” (trong tiếng việt). Là âm không bật hơi.
p – Âm phát ra nhẹ hơn âm “p” (trong tiếng việt) nhưng bật hơi. Là âm bật hơi.
m – Gần giống âm “m”.
f – Gần giống âm “ph”. Là âm môi + răng.
3) Thanh điệu trong tiếng Trung
Thanh 1 (thanh ngang) bā: Đọc cao và bình bình. Gần như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt (độ cao 5-5).
Thanh 2 (thanh sắc) bá: Đọc giống dấu sắc trong tiếng Việt. Đọc từ trung bình lên cao (độ cao 3-5).
Thanh 3 (thanh hỏi) bǎ: Đọc gần giống thanh hỏi nhưng kéo dài. Đọc từ thấp và xuống thấp nhất rồi lên cao vừa (độ cao 2-1-4).
Vì cao độ lúc xuống thấp sẽ nghe hơi giống dấu nặng trong tiếng Việt.
Thanh 4 (thanh huyền) bà: Thanh này giống giữa dấu huyền và dấu nặng. Đọc từ cao nhất xuống thấp nhất (độ cao 5-1).